Anh N. (Thái Bình) không may bị ngã khi đang lắp đặt công trình khiến anh bị mẻ mất hai cái răng. Để khắc phục, anh đã tìm đến một phòng nha khoa ở địa phương làm răng sứ. Sau 2 năm, anh gặp phải các vấn đề về răng như viêm lợi, hôi miệng, đau nhức cả hàm răng... khiến anh không thể ăn uống được. Hỏi ra mới biết do anh đã làm phải răng sứ kém chất lượng.
Cùng trường hợp với anh N., chị D. (Hoàng Mai- Hà Nội) cũng gặp phải tình huống tương tự. Răng chị D. bị xỉn màu sau khi sinh em bé, chị đã quyết định bọc răng sứ để cải thiện. Thế nhưng cái đẹp đó chỉ mỉm cười với chị trong một thời gian ngắn. Sau đó, hàm răng trắng đẹp bắt đầu chuyển sang màu đen, có mùi hôi. Điều này khiến chị mất tự tin.
Làm răng sứ không phải là một ca điều trị phức tạp, không nguy hiểm nhưng nếu thực hiện tại một cơ sở nha khoa không uy tín với những loại vật liệu kém chất lượng thì có thể dẫn đến những biến chứng khá phiền toái: Viêm tủy, viêm nướu dẫn đến sưng nướu, chảy máu chân răng, đau hay ê buốt răng dai dẳng, hôi miệng. Biến chứng nặng nề nhất là làm hư hại cả răng gốc, thậm chí hỏng cả một phần hàm răng.
Bọc răng sứ kém chất lượng ảnh hưởng đến cả hàm răng, khiến răng bị xỉn màu
Trước đó, một clip được đăng tải trên mạng xã hội cách đây 1 năm về hình ảnh của “nạn nhân” bị hỏng toàn bộ răng vì bọc răng sứ. Theo clip ghi lại, các bác sĩ đã phải nhổ hết chân răng của “nạn nhân” vì toàn bộ lớp sứ được bọc vào răng đã hư hại và làm hỏng toàn bộ hàm răng của người này. Clip khiến người xem phải rùng mình vì hãi hùng trước hiểm họa từ việc bọc răng sứ giá rẻ không đảm bảo.
Hình ảnh được cắt từ clip gây xôn xao cộng đồng mạng thời gian qua
Theo TS, BS Phạm Thanh Hà, - Phó Giám đốc Trung tâm chỉ đạo tuyến, Trưởng Khoa điều trị Nội nha, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương chia sẻ trên báo Trí thức trẻ, có 3 biến chứng xảy ra với hàm răng khi bọc răng sứ kém chất lượng, thứ nhất là tổn thương tủy răng, viêm tủy và ảnh hưởng nghiêm trọng tới xương hàm. Thứ 2 là ảnh hướng tới khớp cắn. Thứ 3 là tình trạng ảnh hưởng tổ chức nha chu vì răng giữ lại sau khi mài và răng sứ mới có mối nối, khi giữ lại và bọc răng sứ vẫn có "lỗ hổng" là nơi thức ăn đọng lại, phân huỷ tạo vi khuẩn sản sinh ra axit và tạo ra các tổ chức viêm nha chu.
Đồng quan điểm, bác sĩ nha khoa Nguyễn Văn Công (Nha Khoa Hà Chung, Mễ Trì Hạ, Mễ Trì, Hà Nội) chia sẻ trên Gia đình mới: "Khi bọc răng sứ, bạn dễ phải đối mặt với hôi miệng, dễ viêm lợi, đen vùng chân răng, khả năng nhai yếu hơn... Ngoài ra, nếu rủi ro, bạn có thể gặp các biến chứng như tiêu xương răng gây rụng răng, viêm tủy…"
Chia sẻ về vấn đề này trên báo sức khỏe đời sống TS.BS. Nguyễn Thị Châu,Trung tâm Khám kỹ thuật cao khám chữa bệnh Răng hàm mặt - Đại học Y Hà Nội, cho biết, các vấn đề thường gặp sau khi làm chụp sứ như dắt kẽ thức ăn do tiếp xúc với 2 răng bên cạnh không tốt; viêm lợi; tụt lợi, gây lộ đường viền phía dưới của chụp gây ra dắt thức ăn hay hiện tượng ê buốt; chết tủy răng do răng sống mài quá nhiều mô răng; mòn răng đối diện do khớp cắn chỉnh không tốt; gãy thân răng và chụp sau khi ăn nhai một thời gian.
Rất nhiều chuyên gia khuyến cáo về các biến chứng xảy ra khi bọc răng sứ. Do vậy, trước khi quyết định làm răng sứ thẩm mỹ mọi người phải thật tỉnh táo và thận trọng. Nên lựa chọn các phương pháp làm răng sứ áp dụng công nghệ hiện đại để không ảnh hưởng đến răng gốc và tủy sống. Hạn chế tối đa tình trạng mài răng, không mài hoặc mài càng ít càng tốt. Để làm được tất cả những điều trên, bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở uy tín, có bảo hành để có hàm răng đẹp nhất, những chiếc răng hợp lý nhất kể cả về chất lượng cũng như vấn đề về kinh tế.